
GIỚI THIỆU CHUNG
Xã Mỹ Tân là xã vùng sâu nằm ở phía bắc dọc theo Quốc lộ 1A của huyện Cái Bè, gần tiếp giáp với các xã của vùng Đồng Tháp Mười. Ranh giới hành chính của xã được xác định như sau:
- Phía Đông giáp xã Thiện Trung và Mỹ Đức Đông.
- Phía Tây giáp xã Mỹ Lợi B.
- Phía Nam giáp xã Mỹ Đức Tây và xã Mỹ Lợi A.
- Phía Bắc giáp xã Mỹ Trung.
Được thành lập ngày 23/11/1990, theo Quyết định số 521/TCCP của Ban Tổ chức-Cán bộ của Chính phủ, trên cơ sở tách diện tích và nhân khẩu của xã Mỹ Trung, Mỹ Lợi B, Mỹ Đức Tây và nông trường Ngô Văn Nhạc.
Các đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn: Xã Mỹ Tân có địa hình bằng phẳng, được bao bọc bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cho tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa; Khí hậu thuộc vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có 02 mùa rõ rệt. Theo đó mùa mưa kéo dài từ khoảng tháng 4 đến trung tuần tháng 10 âm lịch, mùa nắng từ tháng 11 đến cuối tháng 3 âm lịch; Nhiệt độ trung bình cả năm từ 24 – 300C. Tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 2, tháng có nhiệt độ thấp nhất là tháng 12 âm lịch; Về thủy văn hàng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước lũ thượng nguồn đổ về từ khoảng đầu tháng 8 âm lịch đến giữa tháng 10 âm lịch.
Tổng diện tích đất tự nhiên 1.736,7 ha (trong đó diện tích đất nông nghiệp là 1.631 ha); có 1.533 hộ, với 5.732 nhân khẩu. Mật độ dân số 265 người/km2. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm phần lớn (đến 89,2 %), tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ chỉ chiếm 10,8%.
Xã có 4.007/5.325 người trong độ tuổi lao động, chiếm 75,2% dân số toàn xã. Lực lượng lao động của xã tương đối lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của xã. Tuy nhiên, số lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn lớn, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ còn thấp, gây khó khăn cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa trong tương lai. Hướng tới cần đẩy mạnh quá trình đào tạo ngành nghề nhầm nâng cao tỷ lệ lao động các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại…
Kinh tế trên địa bàn xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng lúa và vườn cây ăn trái với nhiều chủng loại, đặc biệt người dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như lúa, Sầu riêng, mít, ổi…. Góp phần phát triển kinh tế địa phương và giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn.